Tục thờ thần tài thổ địa
Thần Tài là vị thần ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có. Thờ thần Tài là một trong những tín ngưỡng xuất hiện muộn nhất, nhưng cũng là một trong những tín ngưỡng phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam nói riêng và theo tín ngưỡng Á Đông nói chung. Theo phong tục dân gian, ngày vía thần Tài rơi vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Vào ngày này người ta thường đi mua vàng với mong ước một năm mới làm ăn phát tài, công việc kinh doanh gặp nhiều may mắn.
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp mọi nơi, từ trong các ngôi đình, chùa, am, miếu,… cho đến các hộ gia đình và đặc biệt là các cửa hàng buôn bán, người ta đều thờ thần Tài. Bởi người ta quan niệm thần Tài sẽ ban tài phát lộc, mang lại cuộc sống ấm no, sung túc, mua may bán đắt,… cho con người trong cuộc sống.
Phong tục thờ thần Tài là cách gọi tắt của thần Tài và ông Địa, hai vị thần được bài trí thờ song song trong một khám thờ đặt sát đất và quay mặt ra theo hướng cửa chính của ngôi chùa, am, miếu hay ngôi nhà… Trong đó, ông Địa là tín ngưỡng hỗn dung của nhiều nền văn hóa khác nhau. Còn thần Tài chính là Phúc Đức Chánh Thần hay còn gọi là Thổ Địa công theo văn hóa của người Hoa mà người Việt đã tiếp nhận và phát triển cho đến ngày nay.
Nguồn gốc thờ thần tài thổ địa tại Việt Nam
Rất khó để xác định chính xác thời điểm thần Tài được thờ tự tại Việt Nam, nhất là khi thần Tài hội nhập vào hệ thống thần bảo gia – tức các thần linh bảo hộ cho gia đình. Tuy nhiên, căn cứ vào một số thư tịch ít ỏi còn lưu lại được, các nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc trong sách Thần Tài:
Tín ngưỡng và tranh tượng, đã đưa ra nhận định rằng, thần Tài được thờ tự ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX và trở nên phổ biến, gần gũi ở đầu thế kỷ XX – giai đoạn mà nền kinh tế hàng hóa bắt đầu phát triển, thương nghiệp càng lúc càng có vị trí quan trọng thì “tiền, bạc, vàng là dấu hiệu của sự giàu có chứ không phải “lúa thiên, ruộng mẫu”, và lúc này, “con người cần một hình tượng mới chuyên trách cho việc phát tài: Ông thần Tài”.
Cũng kể từ đây, Thần Tài được thờ tự và non nửa thế kỷ sau trở thành một gia thần phổ biến với mọi nhà.
Mối liên hệ giữa thần tài và thổ địa
Thổ Địa (ông Địa, thần thổ địa) với hình tướng hỗn dung, mang thuộc tính sinh sản của đất, hàm chứa tính phồn thực, là nền tảng cơ bản của tín ngưỡng Thần Tài (với việc am hiểu địa bàn thần quản lý, ông Địa trở thành tiếp dẫn viên: “Môn khẩu Thổ Địa tiếp dẫn thần Tài”).
Thần Tài, mang hình tướng của Phúc Đức Chánh Thần của người Hoa, chỉ khác là một tay vuốt râu và tay kia cầm xâu tiền điếu (hay thoi vàng xuồng)…
Một điều cũng cần lưu ý nữa là tín niệm tương sinh của ngũ hành “Thổ sinh kim”, nói cách khác đây là một tín lý coi Thổ Địa là Tài thần. Do vậy mới có câu liễn thờ thần Thổ Địa phổ biến sau: “Thổ năng sinh bạch ngọc / Địa khả xuất hoàng kim” (Đất hay sinh ngọc trắng / Địa có thể nảy vàng ròng).
Với những ý nghĩa đó, ông Địa, Thần Tài là hai mặt của một vấn đề. Ông Địa là lý, Thần Tài là sự; hai ông thờ chung nhau với “lý sự viên dung” (Lý và Sự giúp nhau thành tựu, làm nhân duyên cho nhau).
Tóm lại, tập tục thờ cúng thần Tài ra đời và phổ biến rộng rãi với sự phát triển của lực lượng doanh thương. Trong những thập niên vừa qua, tập tục thờ Thần Tài, cầu tài lộc nói chung cũng gia tăng, kéo theo sự đa dạng phức tạp hơn của tập tục này do “tích hợp” nhiều Thần Tài từ nhiều nguồn khác nhau, cũng như “nhập cảng” vô số các vật thờ chiêu tài cầu lộc.
Hi, this is a comment.
To get started with moderating, editing, and deleting comments, please visit the Comments screen in the dashboard.
Commenter avatars come from Gravatar.